TỰA
Đức Phật đắc đạo nên được hoàn toàn sáng suốt, Ngài đem các sự thật đã thấy
biết để nói lại với loài người tức là chân lý Phật giáo. Ngài cũng đồng thời
dạy những phương pháp tìm hạnh phúc tức là tôn giáo Phật, nhờ vậy mà một số
đông đệ tử lần lượt khám phá ra được sự thật về vũ trụ.
Vũ trụ là gì ?
Vũ trụ là sắc tướng thành phần cấu tạo của muôn loài và vạn vật. Mọi người
đều tự thấy mình là những đơn vị nhỏ ở trong ấy nhưng thật ra cũng là chỗ
phát nguyên của nó.
Vũ trụ tượng trưng một con số nhiều thật lớn thấy dường như không thể tính
đếm được. Tuy nhiên, con số này có lớn bao nhiêu cũng không thể rời được con số
một, tức là cái khởi điểm. Phải thông đạt được hết nghĩa của con số một là mới
thông đạt được hết ý nghĩa của con số lớn. Bởi thế cho nên, thông đạt nguồn gốc
của thân tâm mình là thông đạt được nguồn gốc của vũ trụ nhưng người nào tu là
tự người đó thông đạt được mà thôi.
Tìm hiểu thân tâm mình cũng là đồng thời tìm hiểu nguyên do của đời sống
mình hiện tại. Người không hiểu nguyên do đời sống hiện tại của mình nên gọi là
mê lầm, mê lầm là khổ.
Tu là để giải thoát mê lầm. Giai cấp nào ở trong đời cũng có thể tu được,
từ kẻ nghèo hèn chạy ăn từng bữa cơm cho đến bậc sang trọng đầy uy quyền và
tiền của, vì sao ?
Bản tính của chúng sinh nói chung và của mỗi nhân sinh nói riêng, tự nó
không có mê lầm. Chính thị cái tâm tham luyến, ái nhiễm là nguồn gốc của mê
lầm.
Có người tự nghĩ : Giàu có lớn hoặc danh cao là hạnh phúc. Nhưng tại
sao trong giới này còn nhiều kẻ bực tức, bất mãn, buồn khóc, chán nản…
Đúng ra, hạnh phúc chân thật là phải xuất xứ ở một tinh thần đã giải thoát
mê lầm.
Phật dạy pháp ‘Quán Thế Âm Bồ tát’ là chỉ cho người cái phương tiện rất hay
để trừ dứt mê lầm. Pháp này được thông dụng nhất, vì sao ? Người tu không
cần bỏ gia đình, nghề nghiệp, địa vị của mình từ thủa giờ và tất cả bổn phận ở
trong đời mà cũng vẫn hành đạo được, tạo pháp đúng nghĩa là hưởng hạnh phúc
Niết bàn như thường.
Vả lại, áp dụng pháp ‘Quán Thế Âm Bồ tát’ vào đời sống của mình mới là thực
hành đầy đủ lý tưởng của Đức Phật.
Lâu nay, đạo Phật thường được xem như là yếm thế, ấy bởi giáo lý chỉ mới
được hiểu một khía cạnh mà thôi.
Chư Tăng cạo đầu xuất gia ?
Một là muốn giữ gìn Pháp bảo của Phật lưu truyền lại, để cho ánh sáng của
đời khỏi dứt mất.
Hai là muốn bớt những phiền phức của gia đình, nghề nghiệp, để mau được
sáng suốt hầu phổ biến đắc lực giáo pháp Phật.
Những bậc giàu lòng hy sinh như vậy phải được bái phục.
Loài người ham tiến về vật chất nên ảnh hưởng ác càng ngày càng lan rộng ra
thêm mãi. Mặc dầu có thói quen làm ác nhưng người lại hay sợ khổ. Bởi thế, pháp
‘Quán Thế Âm Bồ tát’ rất hợp thời. Pháp này cũng lại dễ thực hành, vì không có
trước định một lề lối sống nào.
Nguyên tắc của quyển sách này là những lời tự thuật của một vị Tổ phụ nhiều
đời trước của tôi. Tôi sưu tập những gì đã nghe bởi khẩu truyền nhưng nghĩ làm
như vậy thật là quá ích kỷ, nên tôi khôn ngại lời còn vụng về, lý luận còn kém
thiếu mà vẫn cho ra thành sách. Sự bạo dạn của tôi không ngoài mục đích giúp
một phần kiến thức vào sự nghiên cứu của quý vị độc giả về giáo lý Đại Thừa của
‘Quán Thế Âm Bồ tát’ Phật Pháp.
Tôi hi vọng sẽ nhờ chư tôn đức chỉ dạy những điểm còn sơ sót.
Pháp ‘Quán Thế Âm Bồ Tát’ nếu được phổ biến sâu rộng trong đời sẽ là hạnh
phúc cho nhân sinh biết mấy.
Tác
giả kính cẩn
HẢI
TÍN CƯ SĨ
Sao gọi là ĐẠI THỪA ?
Phật nói :
Nếu có chúng sinh nào theo Đức Thế Tôn nghe pháp tin nhận, siêng tu tinh
tấn, cầu nhất thiết trí, Phật trí, tự nhiên trí, vô sư trí, các món tri kiến
lực vô úy của Như Lai, có lòng thương sót làm an vui cho vô lượng chúng sinh
lợi ích trời người, độ thoát tất cả, hạng đó gọi là Đại Thừa.
(Diệu Pháp Liên Hoa kinh)
Dược Vương ! Có nhiều người tại gia cùng xuất gia hành đạo Bồ Tát, nếu
chẳng có thể thấy nghe, đọc tụng, biên chép, thọ trì, cúng dường được kinh Pháp
Hoa này phải biết những người đó chưa khéo tu đạo Bồ tát.
(Diệu Pháp Liên Hoa kinh)